Bệnh thống kinh và cách khắc phục

Đã là phụ nữ, đa phần mọi người không nhiều thì ít, đều đã từng trải qua những cảm giác, khó chịu, đau bụng trong kỳ kinh. Tuy nhiên, có những trường hợp đến kỳ kinh, chị em chỉ nằm ôm bụng suốt ngày, đau đớn mà không thể làm được việc gì thì đó là căn bệnh mà người ta thường gọi là thống kinh.

Vậy, bệnh thống kinh là gì? Phương pháp khắc phục ra sao? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu bệnh này.

Tìm hiểu về bệnh thống kinh

Thống kinh là hiện tượng đau bụng khi hành kinh, là hội chứng đau xảy ra từ lúc sắp thấy kinh, nhưng thường là trong khi hành kinh khiến cho người bệnh mệt mỏi, đau bụng dữ dội…

 

Bệnh thống kinh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của chị em phụ nữ (Ảnh minh họa)

Biểu hiện

+ Đau bụng âm ỉ tập trung ở bụng dưới.

+ Có những cơn đau dữ dội (lan ra sau lưng, xuống đùi và âm hộ…)

+ Mệt mỏi, buồn nôn, nôn.

+ Nhức đầu, vú căng cứng.

+ Không lao động được.

+ Ảnh hưởng đến việc học tập…

Thống kinh chia ra làm 2 loại

+ Thống kinh nguyên phát.

+ Thống kinh thứ phát.

 

Thống kinh do dị tật bất thường ở tử cung… (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân

Nguyên phát

+ Do có dị tật bẩm sinh ở tử cung: tử cung  2 buồng, cổ và eo tử cung dài quá, gập nhiều về trước hay sau.

+ Do nhiễm trùng.

+ Do dây chằng rộng, các dây chằng tử cung bị xơ hoá.

+ Do có khối u ở chậu hông chấn áp vào dây chằng.

+ Không phát triển sinh dục phụ.

+ Do các yếu tố về tinh thần, tâm lý.

Thứ phát

Thống kinh thứ phát liên quan đến các bệnh lý.

+ Do viêm đường sinh dục, viêm tử cung, buồng trứng, nạo thai, đốt điện cổ tử cung gây chit cổ tử cung gập lại sau…

+ Do khối u: u xơ tử cung bướu niêm mạc tử cung…

Các phương pháp điều trị khi bị thống kinh

Sử dụng các loại thuốc

Thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin

+ Thuốc nội tiết tố sinh dục nữ: thuốc tránh thai kết hợp (có progesteron và estrogen) điều trị đau bụng kinh rất tốt, có tác dụng làm giảm sự tổng hợp chế xuất prostaglandin, làm nội mạc tử cung kém phát triển, có tác dụng giảm đau rõ rệt.

+ Thuốc chống viêm, giảm đau không có steroid: Iibuprofen, naproxen, mefenamic acid, indomethacin...(nếu người bệnh không bị đau dạ dày, tá tràng). Cơ chế tác dụng của các thuốc này là ức chế sự sinh tổng hợp prostaglandin nguồn gốc của sự co thắt tử cung gây đau.

Lưu ý: uống thuốc từ 2-3 ngày trước khi có kinh để hạn chế sản sinh prostaglandin ở nội mạc tử cung. Riêng với aspirin tuy có tác dụng giảm đau, nhưng tử cung kém nhạy cảm với thuốc này bởi nó làm tăng lượng máu kinh, nên ít được dùng.

Thuốc làm giảm co thắt, giãn cơ

+ Các thuốc giảm co thắt, giãn cơ: alverin, drotaverin, spasfon... là những thuốc điều trị triệu chứng có tác dụng làm giảm các cơn co thắt của cơ tử cung làm giảm đau.

Sử dụng thuốc an thần, các loại vitamin

+ Sử dụng thuốc an thần nhẹ: diazepam...

+ Canxi.

+ Các loại vitamin D2, D3, vitamin C để giảm kích thích.

Sử dụng các bài thuốc đông y, châm cứu, bấm huyệt

Sử dụng các bài thuốc đông y, phương pháp châm cứu, bấm huyệt…mang lại hiệu quả rất tốt trong việc giảm bớt tình trạng đau bụng thống kinh.

 

Châm cứu, bấm huyệt…để hạn chế thống kinh (Ảnh minh họa)

Những lưu ý trong chế độ sinh hoạt

+ Trước khi đến kỳ kinh nguyệt từ 3 - 5 ngày nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, thực phẩm chua như: bắp cải muối, salad, nộm, canh chua... là những thực phẩm hỗ trợ giảm cơn đau do kinh nguyệt.

+ Tránh ăn thực phẩm tươi sống, thực phẩm nhiều gia vị, thực phẩm lạnh có thể kích thích tử cung, ống dẫn trứng hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau bụng.

+ Không sử dụng những thực phẩm có chứa cafein như: cà phê, sô cô la, trà (gây lo lắng, góp phần gây ra sự khó chịu trong thời kỳ kinh nguyệt).

+ Bổ sung các loại  trái cây và rau quả giúp lưu thông máu và khí huyết trong cơ thể.

+ Tránh lao động nặng nhọc, tăng cường các bài tập tập thể dục phù hợp có thể giúp làm giảm bớt triệu chứng của đau bụng kinh.

 

Tập yoga để hạn chế thống kinh (Ảnh minh họa)

+  Tập yoga nhẹ nhàng hỗ trợ giảm đau hiệu quả, các động tác: quỳ xuống, uốn cong đầu gối và ngồi trên gót chân; cúi thấp người, dần dần cho đến khi trán chạm đất, cánh tay kéo dài theo cơ thể sẽ làm cho các cơn đau bụng giảm dần…

Lời kết

Thống kinh là một loại bệnh xảy ra trong kỳ kinh ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của chị em phụ nữ. Thống kinh do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt, ở những em gái mới đến tuổi dậy thì, đau bụng dưới mang tính chất chu kỳ nhưng chưa thấy kinh lần nào có thể là do màng trinh không có lỗ thủng để kinh nguyệt chảy ra nên gây đau.

Ngoài ra, các bệnh viêm phần phụ, tử cung dị dạng hoặc lệch vẹo… cũng là nguyên nhân thường gặp gây nên bệnh thống kinh.

Vì vậy, để hạn chế đau bụng kinh, chị em cần lưu ý: ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, tránh thực phẩm tươi sống, cà phê, trà… tập thể dục thể thao đều đặn (lưu ý trọn các bài tập nhẹ nhàng, ưu tiên các động tác yoga) để tăng cường trao đổi chất và giảm cơn đau bụng trong kỳ kinh. Các trường hợp đau bụng dữ dội, đau nhiều, kéo dài liên tục…người bệnh cần đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa y tế để dùng thuốc giảm đau và sử dụng những phương pháp điều trị thích hợp theo sự chỉ dẫn của bác sỹ.



Bình luận

4
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích