Bệnh lạc nội mạc tử cung là gì?
Tử cung của chúng ta được lót bằng lớp các mô gọi là nội mạc tử cung, cứ mỗi tháng đến ngày hành kinh, những mô này sẽ bong ra và thường được đẩy hết ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, chúng cũng có thể bị “đi lạc” ngược trở lại vào khoang bụng, bám vào đó và phát triển, gây nên tình trạng gọi là lạc nội mạc tử cung. Những nơi thường bị bám là cơ quan sinh dục (buồng trứng, ống dẫn trứng), ruột, trực tràng, bàng quang… Vậy Lạc nội mạc tử cung là tình trạng những mảnh nội mạc tử cung xuất hiện ở những vị trí bất thường như ở trên.
Lạc nội mạc tử cung gây đau bụng kinh dữ dội
Khi các mô nội mạc tử cung phát triển nhầm chỗ sẽ khiến vùng xung quanh đó dày lên tạo thành mô sẹo, gây tổn thương, u nang… Một số phụ nữ bị bệnh này chỉ bị khó chịu một ít hoặc không bị khó chịu, nhưng số khác thì lại có thể bị đau dữ dội trước và / hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các bác sỹ đánh giá về bệnh lạc nội mạc tử dung bằng cách sử dụng một hệ thống điểm dựa trên số lượng và kích thước tăng trưởng của các điểm lạc nội mạc tìm thấy trong phẫu thuật nội soi và đưa ra 4 mức phân loại: tối thiểu (1-5 điểm), nhẹ (6-15 điểm), trung bình (16-40 điểm) và nặng (hơn 40 điểm).
Lạc nội mạc tử cung thường gây chảy máu âm đạo bất thường và chảy máu nhiều trong giai đoạn hành kinh.
Đau bụng kinh kèm theo đau lưng. Đau thường gia tăng mức độ nhiều hơn về cuối kỳ kinh.
Đau khi giao hợp.
Có thể kèm theo một số các triệu chứng ở đường tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, đau mỗi lần đại tiện...
Đôi khi có chảy máu trực tràng vào giai đoạn hành kinh.
Một số ít trường hợp lạc nội mạc tử cung không có triệu chứng.
Chẩn đoán xác định qua nội soi ổ bụng, thăm khám vùng khoang bụng bằng máy nội soi.
Điều trị
Dùng các chất ức chế prostaglandin synthetase, chẳng hạn như acid mefenamic 250mg – 500mg, mỗi ngày 3 lần, hoặc naproxen 250mg – 500mg mỗi ngày 2 lần khi có đau vùng chậu.
Có thể dùng viên tránh thai kết hợp loại có hàm lượng progesteron cao, chẳng hạn như Eugynon, khi có kèm theo nhu cầu tránh thai.
Progestogen, chẳng hạn như dydrogesterone hoặc medroxyprogesterone 30mg mỗi ngày.
Danazol 100 – 800mg mỗi ngày, tùy theo mức độ kiểm soát các triệu chứng. Tác dụng phụ chủ yếu là tạo nam tính.
Các triệu chứng trầm trọng cần chuyển chuyên khoa, có thể cần phải phẫu thuật loại bỏ bọc máu kết hợp với dùng thuốc. Trong một số trường hợp, khi bệnh nhân vào tuổi mãn kinh hoặc quyết định không có con nữa, có thể phẫu thuật cắt bỏ tử cung.