Không nên coi thường khi đau bụng kinh

Mỗi lần gần "đến tháng", Giang (24 tuổi, Hà Nội) lại thấy hoảng vì bị đau bụng kinh dữ dội, có khi đau liên tục trong 3 giờ liền. Những ngày ấy, cô chỉ nằm ở nhà ôm bụng mà khóc, mặt mày tái xanh, ăn gì vào cũng cho ra hết.

Cũng giống như nhiều cô gái khác, từ năm 14 tuổi, Giang bắt đầu có kinh nguyệt. Thế nhưng trong khi các bạn trải qua những ngày này rất nhẹ nhàng thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh với cô. Kinh nguyệt của cô rất đều đặn, tuy nhiên, cứ tới ngày kinh đầu tiên, cô lại đau bụng kinh khủng, vã mồ hôi, không thể đứng lên đi nổi, xây xẩm mặt mày.

Đi khám ở nhiều nơi, bác sĩ vẫn bảo không sao vì do nội tiết trong người. Nhưng cô vẫn rất lo sợ, không hiểu mình mắc bệnh gì.

Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Thái Hà (Hà Nội), đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh là tình trạng đau vùng hạ vị, xuất hiện trước, trong hoặc sau khi hành kinh. Thường phụ nữ từ 14 tuổi đến 49 tuổi sẽ thấy kinh mỗi tháng một lần, mỗi lần 3-5 ngày. Đây là hiện tượng bình thường ở chị em phụ nữ mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên mức độ đau ở mỗi người khác nhau, có người chỉ hơi nhâm nhẩm đau, cũng có người đau dữ dội như trường hợp của Giang. "Có trường hợp đau lăn lộn, mặt xanh nanh vàng, chỉ nhăm nhăm đi mổ cấp cứu vì nghĩ bị viêm ruột thừa. Nhưng đến khi đến viện thì không phải là mà một khối niêm mạc tử cung đi lạc căng phồng lên", bác sĩ Dung cho biết.

Theo bác sĩ, đau bụng kinh có thể xuất hiện ngay từ thời con gái hoặc bắt đầu sau nhiều năm có kinh nguyệt bình thường. Nguyên nhân là đến kỳ kinh nguyệt, tử cung căng phồng lên, niêm mạc tử cung dầy lên chèn ép gây đau. Bên cạnh đó, muốn tống máu ra ngoài thì cơ tử cung phải co lại. Lúc này chất prostaglandin xuất hiện và gây ra đau bụng kinh. Ngoài ra, ở một số chị em cơn đau có thể do ngưỡng chịu đựng thấp, thường do tâm lý lo lợ.

Cách giảm đau cũng khác nhau tùy từng người. Có người chỉ uống chút bia, châm cứu, uống thuốc cảm, thuốc giảm đau là đỡ hẳn. Nhưng có người những cách này không có tác dụng. Thời gian đau kéo dài, không chỉ một vài ngày mà thậm chí hàng tuần như trường hợp của chị Mai (28 tuổi, ở Hà Nội) là một ví dụ.

Mấy năm gần đây chị thấy đau bụng dữ dội. Mỗi tháng cơn đau kéo dài đến 20 ngày, khiến chị không còn thiết tha chuyện chăn gối với chồng mà chồng cũng không dám gần vợ. Nhưng vì mới có một cô con gái 6 tuổi, nên vợ chồng chị rất muốn sinh thêm con nên chị mới thử đi khám.

Bác sĩ Dung cho biết, chị Mai được điều trị một đợt thuốc nội tiết mạnh để co niêm mạc lại. Hành kinh không có nên bệnh nhân sẽ không thấy đau nữa. Tuy nhiên, đến khi có hành kinh lại thì chị cần có thai ngay để tránh tiếp diễn cơn đau.

Bác sĩ Dung cũng khuyến cáo, đau bụng kinh có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung, nghĩa là lớp niêm mạc không nằm trong tử cung mà di cư đến những chỗ khác như: bụng, bàng quang thậm chí là buồng trứng... Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến vô sinh.

Trong số các phụ nữ bị vô sinh, có tới 30-50% có tổn thương lạc nội mạc tử cung. Chẳng hạn, niêm mạc có thể nằm ở vòi trứng dẫn đến tắc vòi trứng. Ngoài ra, khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra, dễ bị viêm nhiễm và gây dính, tắc vòi trứng...

Ngoài ra, đây có thể là dấu hiệu của chửa ngoài tử cung. Chị em bị chảy máu, đau bụng nhưng vì nó rơi đúng vào chu kỳ kinh nguyệt, nên cứ nghĩ đây chỉ là biểu hiện bình thường. Điều này rất nguy hiểm vì nếu điều trị muộn, thai bị vỡ, chảy máu nhiều có thể dẫn đến biến chứng vô sinh, thậm chí là tử vong, bác sĩ Dung cho biết.

Vì thế, chị em khi thấy đau bụng kinh quá, kéo dài không chịu được nên đi khám bác sĩ phụ khoa để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.



Bình luận

4
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích