Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh con của phụ nữ

Nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung, thường bong ra khi hành kinh và lại được tái tạo khi sạch kinh. Ngoài ra nó có nhiệm vụ như một cái đệm êm ái giúp thai nhi "nằm" ở đó. Lạc nội mạc tử cung là do máu kinh (có lẫn những mảnh nhỏ của nội mạc tử cung bong ra) bị chảy ngược trở lại. Thường nó chảy vào ống dẫn trứng, qua ống dẫn có thể thấm vào khoang bụng, bàng quang, trực tràng và có thể "chạy" tới buồng trứng. Những mảnh vụn của nội mạc tử cung cắm vào những nơi này và cứ thế mà phát triển, vì thế gọi là "lạc".

Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh con của phụ nữ

(Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến khả năng sinh con của phụ nữ)

Tất cả những yếu tố làm cho máu kinh chảy ngược lại đều có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Ở con gái, có thể do trong ngày hành kinh, cổ tử cung đóng kín (lẽ ra phải hé mở) nên khi tử cung co bóp đẩy máu kinh ra thì máu chảy ngược lại. Ở phụ nữ có gia đình, đa số nguyên nhân là do giao hợp khi có kinh, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược lại.

Khi nội mạc tử cung phát triển dầy lên thì những mảnh "lạc" này cũng to ra, trương lên, chứa đầy máu. Thế là bạn bị đau trước khi hành kinh. Rồi khi nội mạc tử cung chảy máu, các mảnh lạc này cũng chảy máu mà không có đường thoát ra. Bạn thấy đau dữ dội khi hành kinh là vì vậy. Máu ứ sẽ tạo cơ hội cho viêm nhiễm, rất dễ gây dính ở các cơ quan này. Hết kinh, "chiến sự" tạm thời lắng dịu, những mảnh "lạc" tạo thành những mô sẹo. Đến chu kỳ sau lại thế. Số lượng các mô lạc chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi.

Các dấu hiệu báo động của bệnh

Trước tiên, cần biết rằng bệnh LNMTC là bệnh rất khó nắm bắt, khó xác định, không theo quy luật nào và có biểu hiện rất đa dạng. Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí LNMTC, cho nên mỗi cá thể có bệnh cảnh khác nhau. Nói chung, một số triệu chứng chuẩn mực của LNMTC bao gồm đau vùng tiểu khung, đau trước và/hoặc sau khi hành kinh, những cơn đau quặn nặng đến mức phải dùng đến aspirin, đau khi quan hệ tình dục, đau khi có khoái cảm đỉnh điểm, ra máu kinh nhiều hay kinh nguyệt không đều, nhu động ruột đau (thường kèm với những chu kỳ kinh có tiêu chảy hay táo bón), hiếm muộn, suy yếu về đường ruột (thể hiện chướng bụng, nôn, buồn nôn), đau vùng thắt lưng và có thể lan xuống cẳng chân, đau vùng bàng quang và/hoặc đái nhiều, mỏi mệt. Tuy nhiên, một số phụ nữ lại không thể hiện triệu chứng gì và có thể còn không biết mình bị bệnh cho tới khi phát hiện bị hiếm muộn. Điều ngạc nhiên là mức độ nghiêm trọng của LNMTC không liên quan đến mức độ đau mà người phụ nữ trải nghiệm.

Chẩn đoán và điều trị LNMTC

Cho tới nay, cách duy nhất để chẩn đoán LNMTC là qua soi ổ bụng (đưa ống soi qua những lỗ mở nhỏ ở thành  bụng). Soi ổ bụng cộng với sinh thiết thường đem lại bằng chứng quyết định về mức độ nghiêm trọng của bệnh và có thể đồng thời tiến hành điều trị. Có nhiều cách điều trị nhưng cách nào cũng cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Những loại thuốc dùng để điều trị LNMTC bao gồm những thuốc có thể làm cho người phụ nữ dễ bước vào mãn kinh do thuốc (thuốc chủ vận GnRH và danazol) và những thuốc làm cho tổn thương LNMTC co lại bằng cách ức chế rụng trứng (dùng các viên thuốc tránh thai và các viên thuốc hay thuốc tiêm chỉ có progesterone). Can thiệp ngoại khoa bảo tồn là một lựa chọn khác, có mục tiêu là loại bỏ hay hủy diệt tổn thương LNMTC và phục hồi cấu trúc giải phẫu đã biến đổi. Nếu tổn thương LNMTC ảnh hưởng đến khả năng sinh sản thì can thiệp phẫu thuật có thể giải quyết vấn đề.

Ngày nay can thiệp phẫu thuật để loại bỏ LNMTC thường được thực hiện bằng phương pháp soi ổ bụng nhưng cũng kết hợp với nhiều liệu pháp khác như dùng thuốc giảm đau, phong bế thần kinh hay châm cứu, dùng thuốc nam (thảo mộc), bổ sung vitamin, các kỹ thuật thư giãn, kiểm soát dị ứng và liệu pháp miễn dịch.

Trước đây cắt tử cung để điều trị LNMTC được chỉ định rộng rãi hơn ngày nay nhưng can thiệp này vẫn cần thiết khi các liệu pháp khác thất bại. Nhiều khi còn cắt bỏ cả 2 buồng trứng vì đem lại hiệu quả giảm đau lâu dài hơn. Nhiều phụ nữ còn cần đến liệu pháp hormon thay thế nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên trì hoãn liệu pháp hormon thay thế một thời gian sau khi đã cắt tử cung và 2 buồng trứng để cho các tổn thương LNMTC “chết hẳn” vì estrogen vẫn thường được cho là hormon có ảnh hưởng đến sự phát triển của LNMTC.

LNMTC có gây ra vô sinh?

Rõ ràng là có khi LNMTC ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản, ví dụ gây dính ở vòi trứng hay cản trở sự phóng noãn của buồng trứng. Ngay cả khi tổn thương LNMTC rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Sự hiện diện của LNMTC dù ở giai đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ và hoạt động của hệ miễn dịch ở một số phụ nữ. Có nghiên cứu cho thấy can thiệp soi ổ bụng ở những phụ nữ hiếm muộn bị LNMTC nhẹ đã nâng cao được khả năng sinh sản.

Trên thực tế, đa số phụ nữ bị LNMTC vẫn có thể có thai một cách tự nhiên. Với một số người gặp khó khăn thì can thiệp ngoại khoa thường tạo ra “cơ hội” để tăng cơ may có thai. Nếu vẫn tiếp tục gặp khó khăn thì có thể tìm đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản  như thụ tinh trong tử cung hay thụ tinh trong ống nghiệm.



Bình luận

4
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích