Nhiều chị em thường lầm tưởng dau bung kinh là chuyện bình thường nên dễ bỏ qua. Tuy nhiên, theo các BS sản phụ khoa, đau bụng trong khoảng thời gian trước, trong thời kỳ kinh nguyệt có thể do bị lac noi mac tu cung (LNMTC). Đáng lưu ý, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, LNMTC là một trong những nguyên nhân dẫn tới vô sinh. Dễ nhầm lẫn với đau bụng kinh.
BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (trung tâm y tế lao động Thái Hà, Hà Nội) kể về một trường hợp mà BS từng điều trị, đó là bệnh nhân Nguyễn Lan M. (38 tuổi, ở Vĩnh Phúc). Theo lời chị M., suốt mấy năm trời mỗi khi chuẩn bị đến tháng chị lại đau bụng đến mức không làm được bất cứ việc gì. Mỗi lần như thế, chị phải tiêm thuốc mới giảm bớt cơn đau. Chị cũng đã đi khám nội khoa, tuy nhiên không tìm ra bệnh. Chỉ đến khi đau quá, gia đình chị đưa lên Hà Nội khám chuyên khoa sản chị mới biết mình bị LNMTC.
Một trường hợp khác là chị Phan Thu Hạnh ( 32 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội) đã có một con. Theo lời kể của chị Hạnh, khi chưa có gia đình, chị hay bị đau bụng kinh. Gần đây, trước và trong khi hành kinh, chị thường bị đau dữ dội ở bụng dưới. “Tôi định sinh con thứ hai nhưng mấy năm nay mỗi khi gần chồng tôi lại bị đau và cũng không đậu thai. Tôi cứ nghĩ tuổi mình cao nội tiết tố thay đổi nên cứ đi chữa thuốc nam khắp nơi”- chị Hạnh than phiền. Tháng trước đau quá, không chịu được chị Hạnh phải đến bệnh viện siêu âm và nội soi, chị mới té ngửa khi BS chẩn đoán chị bị LNMTC.
BS Dung cho biết trường hợp của chị Hạnh không phải hiếm gặp. Nguyên nhân là chị em chủ quan, dễ nhầm lẫn với đau bụng kinh nên thường bỏ qua. Đây là một bệnh lý khá phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 2% phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Bệnh thường tiến triển âm thầm, có thể trong nhiều năm gây hậu quả tai hại.
Theo BS Dung, nội mạc tử cung là lớp lót bên trong tử cung, thường bong ra khi hành kinh và lại được tái tạo khi sạch kinh. Ngoài ra nó có nhiệm vụ như một cái đệm êm ái giúp thai nhi "nằm" ở đó. LNMTC là do máu kinh (có lẫn những mảnh nhỏ của nội mạc tử cung bong ra) bị chảy ngược trở lại. Thường nó chảy vào ống dẫn trứng, qua ống dẫn có thể thấm vào khoang bụng, bàng quang, trực tràng và có thể "chạy" tới buồng trứng.
“Tất cả những yếu tố làm cho máu kinh chảy ngược lại đều có thể là nguyên nhân gây LNMTC. Ở con gái, có thể do trong ngày hành kinh, cổ tử cung đóng kín (lẽ ra phải hé mở) nên khi tử cung co bóp đẩy máu kinh ra thì máu chảy ngược lại. Ở phụ nữ có gia đình, đa số nguyên nhân là do giao hợp khi có kinh, dương vật đã đẩy máu kinh đi ngược lại”- BS Dung nhấn mạnh.
Nguyên nhân vô sinh
Là người nhiều năm gắn bó với chuyên ngành sản phụ khoa, BS Dung cho biết bệnh thường gặp ở người trẻ, người bệnh thường than phiền đau vào lúc trước và trong khi hành kinh, giao hợp đau, đau vùng bụng dưới... Nhiều khi vô sinh là nguyên nhân đến khám của bệnh nhân và phát hiện ra LNMTC. Khám lâm sàng có thể thấy các triệu chứng không đặc hiệu, tuy nhiên có thể nghĩ đến LNMTC khi thấy tử cung đổ sau, ít di động, có thể thấy các nhân nhỏ ở cùng đồ sau.
Theo các BS chuyên khoa sản, trong số các phụ nữ bị vô sinh, có tới 30-50% có tổn thương LNMTC. Cơ chế gây vô sinh của LNMTC là do: Biến dạng các tổ chức vùng chậu gây dính, co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vòi trứng, buồng trứng, tử cung. Khi bạn được chẩn đoán bị LNMTC thì các bác sĩ phụ khoa sẽ cho uống thuốc nội tiết nhằm hạn chế sự phát triển của bệnh. Trong trường hợp bệnh nặng, người bệnh đau bụng không chịu được cần được mổ nội soi bằng laser nhằm đốt những mảnh "lạc".
Cách phòng bệnh là nên đi khám định kỳ và điều trị sớm.