Rong kinh- Nguyên nhân và cách xử trí

Theo các chuyên gia y tế, rong kinh là một bệnh phụ khoa ngày càng phổ biến. Tình trạng này có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng do làm mất nhiều máu.

Rong kinh là gì?

Rong kinh là hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trên 10 ngày và lượng máu mất đi có thể vượt quá 80 ml mỗi chu kỳ kinh nguyệt (bình thường: 40-60ml/ chu kỳ).

Còn rong huyết là hiện tượng ra huyết từ bộ phận sinh dục không phải kinh nguyệt, kéo dài trên một tuần. Muốn xác định như thế nào là máu kinh nguyệt, phải dựa vào những đặc điểm như: máu kinh không đông, lượng huyết ra nhiều nhất là những ngày giữa của đợt huyết ra. Rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày thường biến thành rong huyết, lúc đó gọi là rong kinh- rong huyết.

rong kinh

Ảnh minh họa

Triệu chứng rong kinh?

Triệu chứng thường thấy ở người bị rong kinh là kinh nguyệt kéo dài hơn 10 ngày, có thể ra huyết nhiều hoặc ít khiến người bệnh không thể làm việc được, bị đau bụng dưới (dau bung kinh), luôn có cảm giác mệt mỏi, hơi thở ngắn và hay thở dốc, có những triệu chứng của bệnh thiếu máu nếu rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài.

Phân loại rong kinh

Rong kinh được chia làm hai loại là rong kinh thực thể và cơ năng.

Rong kinh thực thể là hành kinh kéo dài do nguyên nhân thực thể tổn thương ở cơ tử cung như cổ tử cung, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng (có hay không rụng trứng, u tế bào hạt), liên quan đến thai, bệnh lý toàn thân (rối loạn đông máu, bệnh bướu giáp),…

Rong kinh cơ năng, nguyên nhân chính thường do rối loạn nội tiết. Rong kinh cơ năng thường hay gặp nhất ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của thời kỳ sinh sản, tức là thời kỳ dậy thì và tiền mãn kinh của phụ nữ. Trong độ tuổi sinh sản rất ít khi có rong kinh cơ năng.

Đặc biệt, rong kinh tập trung ở những phụ nữ có nguy cơ cao bị béo phì; sinh con nhiều lần, tăng cân, hút thuốc lá, sắp mãn kinh, đái tháo đường, suy giáp, rối loạn đông máu, viêm gan mạn, bệnh tim hoặc thận mạn, bệnh lupus,…

Nguyên nhân gây ra tình trạng rong kinh

Rối loạn nội tiết tố nữ: ở người bình thường có sự cân bằng giứa hai hormon nữ là estrogen và progesterone giúp cho việc rụng trứng, tạo màng dày trong nội mạc tử cung và hành kinh diễn ra bình thường. Nếu vì một lý do nào đó, sự thăng bằng này bị xáo trộn, nội mạc tử cung sẽ dày lên quá độ và khi bong ra tạo  kinh nguyệt quá nhiều. Tình trạng mất cân bằng này xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ tuổi dậy thì, có kinh lần đầu và phụ nữ gần đến tuổi mãn kinh. Một vài bệnh cũng gây ra sự xáo trộn cân bằng như bệnh suy tuyến giáp trang,… Việc lạm dụng hormone cũng có thể gây ra tình trạng trên.

Bướu sợi tử cung: thường xảy ra ở độ tuổi mang thai và gây nên tình trạng rong kinh nếu bướu sợi tử cung ở vị trí dưới niêm mạc.

Bên cạnh đó, rong kinh còn có một số nguyên nhân khác: bị polyps, bướu nước buồng trứng, buồng trứng bị rối loạn không sinh trứng và rụng trứng được, đặt vòng tránh thai, mang thai bị biến chứng, ung thư, uống thuốc ngừa thai không đúng cách,…

Hậu quả của rong kinh: Rong kinh gây mất máu ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, do máu ra kéo dài nên có thể gây viêm nhiễm. Máu là môi trường phát triển tốt của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ lan ngược từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và có thể lên vòi trứng gây viêm phần phụ, thậm chí gây vô sinh sau này. Vì thế rong kinh cần điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp xử trí và phòng ngừa rong kinh

Đối với phụ nữ trên 18 tuổi và có hoạt động tình dục nên thường xuyên khám phụ khoa mỗi năm và làm Pap test định kỳ. Tuy nhiên nếu có chu kỳ kinh nguyệt quá bất thường thì nên đi khám bệnh ngay.

Trước hết cần loại trừ nguyên nhân liên quan đến thai nghén.

Khám lâm sàng: ngực, bụng, màu sắc âm hộ, âm đạo, nên khám qua trực tràng để đánh giá thể tích của tử cung. Siêu âm để xem tình trạng tử cung và hai buồng trứng. Sau khi loại trừ thai, cần nghĩ đến 3 loại nguyên nhân: thực thể (như polyp niêm mạc tử cung, u xơ tử cung), rối loạn đông máu, rối loạn nội tiết. Điều trị theo nguyên nhân.

Đa số các trường hợp rong kinh, rong huyết ở tuổi này là do rối loạn nội tiết. Cần tùy theo mức độ thiếu máu trên người bệnh để điều trị. Nếu chỉ có rong kinh nhẹ và không kèm theo thiếu máu thì không cần điều trị, chỉ cần bác sĩ theo dõi. Nếu rong kinh có kèm theo thiếu máu thì bắt đầu điều trị bằng các loại thuốc viên tránh thai hỗn hợp 21 ngày với 7 Placebo.

Nếu rong kinh nhiều hơn nhưng chưa cần phải cấp cứu thì bác sĩ thường cho uống thuốc viên tránh thai nhưng liều lương cao hơn. 2 viên/ngày chia 2 lần (sáng và tối). Các tác dụng phụ có thể gặp là nôn, đau căng vú, ra huyết trong khi uống; lần hành kinh đầu tiên sau khi điều trị liều cao sẽ ra nhiều máu, phải uống tiếp vỉ thuốc thứ hai ngay khi thấy ra kinh ngày đầu tiên. Thời gian điều trị đến 3-6 tháng sau.

Nếu rong kinh gây mất máu cấp tính, phải nhập viện cấp cứu.

MiMi



Bình luận

4
Thông tin hữu ích

Thông tin hữu ích