Cho dù được điều trị, viêm tiểu khung cũng gây vô sinh vĩnh viễn cho 12% bệnh nhân. Tỷ lệ này là 25% ở những người bị tái nhiễm lần hai và hơn 50% ở người tái nhiễm lần 3. Nếu có thai, nguy cơ thai ngoài tử cung sẽ rất lớn vì trứng khó di chuyển qua vòi trứng có sẹo để về tử cung để làm tổ.
Viêm tiểu khung (pelvic inflammatory disease – PID) là nhiễm trùng cơ quan sinh dục nữ - tử cung, ống dẫn trứng, cổ tử cung và buồng trứng. PID thường xảy ra khi vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục lan từ âm đạo của bạn vào tử cung và đường sinh dục trên. PID cũng có thể xảy ra khi vi khuẩn di chuyển theo dụng cụ tránh thai hoặc khi chúng được đưa vào trong các thủ thuật phụ khoa, như đặt vòng (IUD) hoặc nạo thai.
Nhiều phụ nữ bị PID không có dấu hiệu hay triệu chứng hoặc không điều trị. PID có thể chỉ được phát hiện muộn khi người phụ nữ chậm có thai và biết rằng cơ quan sinh sản bị tổn thương. PID cũng có thể được phát hiện khi phụ nữ bị đau tiểu khung kéo dài.
Mỗi năm, có hơn 1 triệu phụ nữ Mỹ được chẩn đoán PID, tỷ lệ cao nhất ở tuổi vị thành niên. Theo Viện Nghiên cứu Y học Quốc gia (NIH) Mỹ, hơn 100.000 phụ nữ bị vô sinh do PID, trong khi những người khác bị các biến chứng trong quá trình thai nghén.
Ảnh minh họa
1.Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm tiểu khung
Thường gặp nhất là xuất tiết âm dạo có màu sắc bất thường, mùi hôi (có khi như mủ), đau vùng bụng dưới, sốt (không thường xuyên).
Ngoài ra, có thể gai rét, ra kinh không đều hay ra máu giữa kỳ, dau bung kinh nhiều hơn, mất kinh, đau vào thời điểm rụng trứng nhiều hơn, đau khi quan hệ tình dục, đau vùng thắt lưng, mỏi mệt, ăn kém ngon, buồn nôn, có thể kèm nôn hoặc không, đái vặt nhiều lần, đái buốt, dễ đau khi đụng chạm vào vùng tiểu khung.
Cũng cần lưu ý rằng PID có thể chỉ gây các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ hoặc không có dấu hiệu và triệu chứng nào. PID không có triệu chứng chiếm 2/3 số lần.
PID không triệu chứng đặc biệt hay gặp khi nhiễm chlamydia. Không có dấu hiệu và triệu chứng làm tăng khả năng bạn truyền chlamydia cho bạn tình và bị tổn thương năng hơn cơ quan sinh sản của bạn.
2. Các dấu hiệu và triệu chứng cấp cứu của PID
Đau dữ dội bụng dưới, nôn, các dấu hiệu của sốc, như ngất, sốt, nhiệt độ >38,5oC
Nếu các dấu hiệu và triệu chứng này xuất hiện, phải tới ngay phòng cấp cứu
3. Nguyên nhân gây ra viêm tiểu khung
Hầu hết các trường hợp viêm tiểu khung do lậu cầu khuẩn, vi khuẩn Chlamydia và vi khuẩn kị khí gây ra. Ở những phụ nữ có quan hệ tình dục với hơn một bạn tình, khả năng viêm tiểu khung có thể tăng lên gấp 5 lần.
Vi khuẩn lậu dễ xâm nhập và gây viêm tiểu khung cho phụ nữ qua quan hệ tình dục. Vi khuẩn này bám đuôi tinh trùng và dễ dàng di chuyển lên phía trên, gây viêm nhiễm tử cung, vòi trứng và buồng trứng.
Một số dạng tránh thai có thể tác động tới nguy cơ bị PID của bạn. Vòng tránh thai có thể làm tăng nguy cơ PID, nhưng các phương pháp rào cản khác như bao cao su hoặc màng ngăn âm đạo làm giảm nguy cơ này. Dùng thuốc tránh thai đơn thuần không có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh STD mắc phải. Nhưng thuốc viên tránh thai có tác dụng bảo vệ chống lại PID nhờ tạo ra nút nhầy cổ tử cung đặc hơn, làm cho vi khuẩn khó tới được đường sinh dục trên hơn.
Vi khuẩn cũng có thể đi vào đường sinh sản do đặt vòng, sinh con, sẩy thai, nạo thai hoặc sinh thiết nội mạc tử cung.
4. Các yếu tố nguy cơ gây ra viêm tiểu khung
Nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị PID của bạn, bao gồm:
Là phụ nữ trẻ, có sinh hoạt tình dục (15-25 tuổi).
Có nhiều bạn tình
Dùng các biện pháp tránh thai không rào chắn. Phương pháp rào chắn bảo vệ khỏi PID.
Mới đặt vòng. Nguy cơ của bạn cao nhất trong 4 tháng đầu tiên sau khi đặt.
Thụt rửa thường xuyên, có thể đẩy vi khuẩn vào sâu trong đường sinh dục và che giấu các triệu chứng có thể khiến bạn đi điều trị sớm.
Hãy đến khám bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của PID, bao gồm: Đau bụng dưới và khung chậu, đau bụng kinh, ra khí hư bất thường có mùi khó chịu, kinh nguyet khong deu, đau khi giao hợp, đau vùng thắt lưng, sốt, mệ mỏi, ỉa chảy hoặc nôn, tiểu tiện đau hoặc khó.
Loét hoặc đỏ bộ phận sinh dục, khí hư có mùi hôi, tiểu tiện đau, hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Nếu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng này, hãy ngừng quan hệ tình dục và tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Điều trị kịp thời STD có thể giúp ngăn ngừa PID.
5. Phương pháp chẩn đoán viêm tiểu khung
Bác sĩ chẩn đoán PID dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng, khám tiểu khung, và phân tích khí hư và nuôi cấy dịch cổ tử cung.
Trong khi khám tiểu khung, bác sĩ dùng một miếng gạc bông để lấy mẫu bệnh phẩm từ âm đạo và cổ tử cung. Các mẫu này được gửi tới phòng xét nghiệm để phân tích xác định những vi khuẩn nào là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Để xác nhận chẩn đoán hoặc để xác định mức đọ lan rộng của nhiễm trùng, bác sĩ có thể khuyên nội soi vùng tiểu khung. Trong thủ thuật này, bác sĩ luồn một dụng cụ mỏng, có đèn sáng qua một đường rạch nhỏ trên bụng bạn để quan sát các tạng trong tiểu khung.
6. Hậu quả của viêm tiểu khung
PID không được điều trị có thể gây mô sẹo và tích dịch nhiễm khuẩn (áp xe) ở ống dẫn trứng. Tổn thương này có thể gây đau tiểu khung mạn tính và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản. Các biến chứng có thể gồm:
Chửa ngoài tử cung. PID là yếu tố nguy cơ chính gây chửa trong ống dẫn trứng (ngoài tử cung). Trong chửa ngoài tử cung, trứng được thụ tinh không thể qua ống dẫn trứng để làm tổ trong tử cung. Chửa ngoài tử cung có thể gây chảy máu nhiều, đe dọa đến tính mạng và cần phải mổ cấp cứu.
Vô sinh. PID là nguyên nhân gây vô sinh có thể phòng tránh được hay gặp nhất ở Mỹ. PID có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản và gây vô sinh, không có thai sau 1 năm quan hệ tình dục không dùng biện pháp tránh thai.
Viêm phúc mạc. PID cũng có thể gây viêm phúc mạc. Viêm phúc mạc thường nặng và cần điều trị tích cực bằng kháng sinh.
Nhiễm độc máu. Ở một số ít trường hợp, nếu vi khuẩn xâm nhập vào máu, PID có thể gây nhiễm độc máu (nhiễm trùng máu), viêm và nhiễm trùng các khớp.
7. Các phương pháp điều trị
Khi đã được chẩn đoán là viêm tiểu khung dù nhẹ vẫn cần phải dùng kháng sinh và được thầy thuốc theo dõi. Trường hợp nặng hơn còn cần phải nằm viện. Bạn tình cũng cần được điều trị và trong tiến trình điều trị cần dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục.
Phác đồ điều trị mới dùng ceftriaxone 250mg tiêm bắp một liều duy nhất với azithromycin 1g uống 1 lần/ tuần, tuần tiếp theo uống liều thứ 2 cũng 1 g.
Hiệu quả cũng tương tự như phối hợp với doxcycline 200mg/ ngày chia làm 2 lần, kéo dài 14 ngày.
Phác đồ điều trị với ceftriaxone và azithromycin được khuyen dùng là vì đạt tỷ lwj khỏi bệnh lên đến 98% vì azithromycin (viên nang 250mg hoặc 500mg) có thời gian bán hủy ở mô dài đến 68 giờ, có phổ kháng khuẩn rộng tương tự như doxicycline nhưng có thể dùng một liều duy nhất và ít tác dụng phụ, trong khi doxycycline phải dùng 2 lần một ngày.
Ngoài ra, phân tích mức độ khỏi bệnh dựa trên các dấu hiệu như không đau, không sốt và số lượng bạch cầu trở về bình thường, nhóm dùng azithromycin có tỷ lệ khỏi 90,3% trong khi nhóm dùng doxycycline có tỷ lệ 85,7%. Như vậy, hai phác đồ điều trị ít nhất cũng có giá trị tương đương với các thể nhẹ.
Phác đồ điều trị trước đây còn dùng cả metrinidazole để trị vi khuẩn kỵ khí. Nếu không đỡ thì cần được theo dõi và đánh giá kỹ hơn nữa vì có thể phải can thiệp bằng ngoại khao nếu hình thành áp xe buồng trứng (túi mủ ở buồng trứng).
Điều trị ngoại trú là đủ để điều trị PID ở phần lớn phụ nữ. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh nặng, đang mang thai hoặc có HIV (+) hoặc không đáp ứng với các thuốc đường uống, có thể bạn cần nhập viện. Tại bệnh viện, bạn có thể được dùng kháng sinh đường tĩnh mạch, tiếp theo là kháng sinh đường uống.
Ít khi cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu áp xe vỡ hoặc dọa vỡ, bác sĩ có thể dẫn lưu ổ áp xe đó. Ngoài ra, phẫu thuật có thể được thực hiện ở những phụ nữ không đáp ứng với điều trị hoặc những người có chẩn đoán nghi ngờ, như khi không có 1 hoặc nhiều dấu hiệu và triệu chứng PID. Trong những trường hợp này, thường thử điều trị kháng sinh trước khi phẫu thuật, vì phẫu thuật có những nguy cơ.
8. Các phương pháp phòng ngừa viêm tiểu khung
Phần lớn các trường hợp PID có thể phòng tránh được bằng quan hệ tình dục an toàn. Sử dụng đúng bao cao su, chứ không loại bỏ được nguy cơ mắc STD. Ngoài việc dùng bao cao su nhất quán và cẩn thận, phòng tránh STD tốt nhất bằng cách quan hệ tình dục chung thủy một vợ một chồng hoặc không quan hệ tình dục.
Nếu bạn có hành vi tình dục nguy cơ cao, bạn nên sàng lọc STD thường xuyên. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định lịch trình sàng lọc thích hợp.
Nếu bạn bị PID hoặc STD, hãy khuyên bạn tình đi kiểm tra và điều trị nếu cần. Việc này có thể phòng ngừa sự lây lan STD và tái phát PID.